Cách phòng bệnh đường hô hấp cho trẻ nhỏ
Thời tiết giao mùa là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, virus phát triển và tấn công trẻ. Trong tổng số bệnh nhi đến khám, quá 60% là các bệnh liên quan đến bệnh đường hô hấp, viêm phổi…Đặc biệt viêm phổi ở trẻ nhỏ diễn biến rất nhanh. Vì thế, với những bệnh nhi ngoại trú, bác sĩ yêu cầu cha mẹ phải theo dõi sát diễn biến của trẻ, nhất là trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, trẻ sơ sinh diễn biến bệnh cực kỳ nhanh.
Để tăng cường sức đề kháng, miễn dịch hô hấp, phòng chống bệnh hô hấp cho trẻ lúc giao mùa, các mẹ có thể áp dụng 8 bí quyết dưới đây:
Giữ ấm cho trẻ:
Các chuyên gia khuyên cha mẹ nên giữ ấm đường thở cho bé trong mùa đông bằng các biện pháp: mặc ấm, giữ ấm cổ họng, đeo khẩu trang khi ra đường, đội mũi kín tai, ăn uống đồ nóng, ấm. Đó là cách mẹ giúp bé giảm thiểu nguy cơ viêm đường hô hấp.
Lưu ý giấc ngủ, bữa ăn của trẻ:
Khi phát hiện trẻ có biểu hiện bất thường như ăn uống, bú kém, bỏ bữa, ăn ít, sốt không rõ ràng, hay nôn trớ, giấc ngủ không ngon thì cha mẹ cần lưu ý có thể bé đang bị bệnh và cần đưa trẻ tới bệnh viện để được thăm khám đầy đủ, điều trị theo lộ trình của bác sỹ, không nên chữa bệnh theo mạng internet để tiền mất, tật mang.
Vệ sinh thân thể và môi trường:
Vi khuẩn, virus tồn tại ở khắp mọi nơi, sinh sản nhanh chóng và gây ra nhiều bệnh tật nguy hiểm cho trẻ nhỏ, đặc biệt là các bệnh hô hấp.
Để bảo vệ trẻ khỏi các nguy cơ tiềm ẩn, cha mẹ cần phòng bệnh từng ngày bằng cách vệ sinh môi trường, vệ sinh thân thể cho bé. Với bé lớn, cần rèn luyện ý thức vệ sinh cá nhân để bé tự biết cách bảo vệ, chăm sóc bản thân kể cả khi không có cha mẹ ở bên.
Cụ thể, cha mẹ cần cắt móng tay thường xuyên cho trẻ (trẻ lớn hơn nên tập thói quen cắt móng tay); rửa tay cho bé, hướng dẫn bé rửa tay trước khi ăn và sau mỗi lần vận động; vệ sinh răng miệng, mũi họng cho bé; vệ sinh môi trường xung quanh như giường ngủ, phòng vệ sinh... và các đồ dùng thường nhật.
Bổ sung đủ dinh dưỡng cho trẻ
Các chuyên gia khuyến cáo, trẻ 0-6 tháng tuổi nên bú mẹ hoàn toàn để có khả năng phòng chống bệnh, phát triển toàn diện. Nếu không có điều kiện, mẹ cần cố gắng cho trẻ bú sữa ít nhất trong 2-3 tháng đầu để củng cố hệ miễn dịch cho trẻ.
Với bé lớn, chế độ dinh dưỡng hợp lý (thực phẩm đa dạng) có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch. Bên cạnh bữa chính, mẹ nên cho bé ăn thêm các loại trái cây giàu sinh tố như đu đủ, dâu tây, cam... Có thể ăn trực tiếp hoặc ép lấy lấy nước.
Mẹ cũng cần bổ sung nhiều loại rau củ giàu vitamin và chất xơ như: cà rốt, súp lơ, cà chua, bí đỏ, rau dền... Đồng thời kết hợp chung với thịt, cá, trứng để bữa ăn của trẻ đầy đủ chất, hoàn thiện hệ miễn dịch. Các thực phẩm giàu kẽm như: hải sản, thịt bò, thịt lợn (nạc vai), nấm, rau chân vịt, ca cao, chocolate, hạt bí, các loại đậu... cũng có lợi cho hệ miễn dịch của trẻ khi mùa đông tới.
Tiêm vacxin
Ngoài các loại văcxin trong chương trình tiêm chủng quốc gia, có một số loại mẹ nên bổ sung thêm cho bé để ngăn ngừa bệnh hô hấp.
Văcxin phòng cúm: mỗi năm tiêm một lần, nên tiêm trước khi vào mùa lạnh khoảng một tháng để khi vào mùa văcxin có tác dụng phòng bệnh. Lưu ý không tiêm văcxin khi trẻ đang bị cúm, nghi ngờ nhiễm cúm, hoặc đang bị các bệnh nhiễm trùng khác.
Vacxin phế cầu: phòng tránh bệnh hô hấp do phế cầu gây ra, nhất là viêm phổi.
Không tự ý dùng kháng sinh:
Trẻ bị viêm đường hô hấp trong đó có viêm họng thì hầu hết các trường hợp viêm họng không dùng kháng sinh vì 90% là do virus. Dùng kháng sinh rất có hại cho em bé nên chị phải lựa chọn, đợt nào nghi do vi khuẩn thì dùng kháng sinh, đợt nào thấy không phải do vi khuẩn thì không nên dùng.
Không cần vệ sinh mũi nếu không có biểu hiện bệnh
Nếu trẻ không có biểu hiện gì về bệnh thì không việc gì phải nhỏ nước muối suốt vì bản thân mũi khi không bị bẩn đã có cơ chế tự làm sạch rồi, không cần tác động thứ gì. Nhưng với trẻ đang bị viêm mũi, dùng nước muối biển để xịt là một biện pháp trợ giúp mũi đẩy sạch vi khuẩn khỏi mũi họng và với trẻ chưa biết xì mũi thì cần dùng hút mũi 2 đầu để hút dịch mũi ra.
Không tự ý dùng khí dung
Việc phụ huynh tự đặt khí dung cho con tại nhà là không nên bởi đường ống khí dung nếu không được tiệt trùng theo tiêu chuẩn quốc tế (như tại bệnh viện) thì sẽ thực sự là 1 ổ nhiễm khuẩn. Theo đó, cứ khí dung là con sẽ ốm suốt, chưa kể có thể có những bất thường xảy ra như ngay những giây đầu tiên đã có thể gây phản ứng bất thường làm bé ngừng thở ngay.